Cách Xử Lý Những Lời Chỉ Trích Tiêu Cực và Phán Xét Không Công Bằng Từ Người Khác
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu, thậm chí là tội lỗi, sau khi nghe những lời chỉ trích tiêu cực về mình (đặc biệt từ người thân hoặc có tính cách hơi cực đoan và cảm xúc mạnh) dù biết rằng những lời đó không hề đúng? Trước đây, tôi tin rằng mình đủ vững vàng để không bị ảnh hưởng bởi đánh giá của người khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những lời nhận xét vô căn cứ vẫn khiến tôi bất an. Điều đó thúc đẩy tôi tìm hiểu sâu hơn, để thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ những phán xét sai lầm này.
Tôi nhớ một lần xem video của Vinh Giang @askvinh nói về việc não bộ dễ bị đánh lừa bởi những lời nói mạnh mẽ, ngay cả khi không có bằng chứng. Video chủ yếu xoay quanh cách chuyển đổi ngôn ngữ để nghe có sức hút, và thuyết phục hơn. Nhanh chóng tôi chợt nhận ra một điều rằng não bộ của chúng ta không luôn logic như chúng ta nghĩ. Chính vì thế, trong marketing hay giao tiếp hàng ngày, những tuyên bố chắc nịch và đầy cảm xúc lại dễ thu hút và tin tưởng. Điều này giải thích tại sao nhiều khi ta hay trường hợp này là bộ não của tôi vô thức tin vào những phán xét tiêu cực nếu được truyền tải một cách mạnh mẽ, dù biết chúng không hợp lý.
Dưới đây là những bước mà tôi áp dụng để giải phóng khỏi những cảm xúc khó chịu đó ^^
1. Lắng nghe và quan sát: Tập trung lắng nghe và quan sát cảm xúc của người đang đối thoại, tìm hiểu xem họ đang bộc lộ điều gì.
2. Ghi nhớ & take note: Tôi ghi nhớ những lời họ nói, cách này giúp tôi nhớ được rất rõ từng từ một người kia đang nói gì, câu chữ của họ ra sao, sau đó tôi viết ra giấy hoặc ghi chú trên điện thoại
4. Đọc và suy ngẫm: Đọc lại những câu nói và suy nghĩ xem chúng có hợp lý hay không.
5. Tự nhắc nhở bản thân: Tôi tự khẳng định trong suy nghĩ rằng đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải sự thật (khi đang đối thoại với người kia) . Điều này giúp tôi tạo lại thế cân bằng cho cảm xúc của mình để sáng suốt hơn, ổn hơn.
6. Xem xét mục đích của mình: Tự hỏi “Mình làm điều này vì lý do gì?” và “Những gì họ nói có liên quan đến mục đích của mình không?” , có hiểu nhầm gì hay có liên quan gì từ việc người kia nói và tâm ý của mình không?
7. Không tranh cãi: Ban đầu, tôi muốn tranh luận nhưng nhanh chóng nhận ra rằng họ không quan tâm đến việc tôi đúng hay sai; họ chỉ muốn đẩy tôi vào thế tấn công và mất kiểm soát về cảm xúc như họ. Vì vậy, tôi chọn cách không phản ứng, giữ yên lặng và không bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực của họ.
8. Quan sát cảm xúc của mình: Tôi tự nói chuyện với bản thân và cảm nhận những cảm xúc khi người kia ở bên, và chấp nhận những cảm xúc này như nó đang là, dù họ đang phản ứng quá khích. Điều này giúp tôi duy trì sự bình tĩnh và kiểm soát.
9. Tìm hiểu động cơ của người chỉ trích: Tự hỏi, “Tại sao họ lại phản ứng như vậy?” giúp tôi nhận ra đôi khi họ phản ứng thái quá vì sự dồn nén bên trong mà không thể kiểm soát, hoặc dựa trên sự lo lắng bất an của chính họ, hoặc đôi khi là để giúp họ cảm thấy ổn hơn hoặc họ thực sự thấy khó chịu với những gì tôi làm và hiểu sai vv..
10. Tìm sự tự do trong tâm bão: Tôi nhận ra mình có thể tìm thấy tự do, ngay cả khi đối mặt với cơn bão cảm xúc từ người khác. Tôi học cách hành động vì mục tiêu của bản thân, thay vì bị chi phối bởi cảm xúc hoặc sự thao túng của người khác.
11. Giữ khoảng cách nếu cần thiết: Tôi nhận ra việc duy trì khoảng cách vừa phải là cần thiết. Tôi vẫn quan tâm nhưng không nhất thiết phải dự phần quá nhiều vào cuộc sống của họ.
12. Nhìn ra những điểm tích cực từ lời chỉ trích: Nhờ việc ghi lại và suy ngẫm, đôi khi tôi nhận ra rằng những lời chỉ trích cũng có giá trị. Tôi tự hỏi, “Liệu mình có học được điều gì từ lời này không?” Điều này giúp tôi phân biệt giữa góp ý xây dựng và chỉ trích vô lý, để cải thiện bản thân từ nhiều góc độ.
Những bước này giúp tôi giữ vững lập trường và giảm thiểu tác động của những lời chỉ trích tiêu cực. Quan trọng nhất, tôi học cách hành động theo những gì phù hợp với bản thân, thay vì để người khác kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình. Và đặc biệt hơn nữa, cách này góp phần nhỏ cho hành trình tự do từ bên trong mà tôi theo đuổi.
Những bước liệt kê trên đây có thể chưa thực sự theo một trật tự nhất định, thực tế thì các bước có thể mix lẫn nhau tuỳ vào từng tình huống. Là sự tổng hợp từ sự tự khám phá và trải nghiệm cá nhân của tôi, không dựa trên lý thuyết tâm lý học chính thức. Tuy nhiên khi viết bài này và tìm kiếm thêm thông tin thì tôi thấy một cách vô thức tôi áp dụng một số kỹ thuật mà có rõ khái niệm trong một số sách về tâm lý học. Bạn có thể tham khảo thêm
- Lắng nghe và quan sát cảm xúc của người khác - Empathy (Sự thấu cảm): Đây là một phần trong các kỹ năng về trí tuệ cảm xúc, đặc biệt là trong sách của Daniel Goleman, “Emotional Intelligence” (Trí tuệ cảm xúc).
- Ghi lại và tự nhắc nhở - Cognitive Behavioral Therapy (CBT)
- Tự nhắc nhở rằng ý kiến của người khác không phải là sự thật - Detachment (Tách biệt): Kỹ thuật này thường được nhắc đến trong tâm lý học chấp nhận và cam kết (ACT)
- Không tranh cãi và duy trì khoảng cách - Non-reactivity (Không phản ứng tức thì): Thực hành mindfulness
- Xem xét mục đích của mình và tập trung vào bản thân - Self-Compassion (Lòng tự thương): Kristin Neff, trong cuốn “Self-Compassion,”
- Link fb của anh Vinh Giang: https://youtube.com/@askvinh?si=ezOhBGdfgZyBYQWi
#wotn7 Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khoá học Writing On The Net